Đặc sản Đăk Nông đắm chìm lòng người

Ngày đăng: 01:55 PM 12/01/2018 - Lượt xem: 701

     1. Cà phê Đức Lập

Đức Lập là tên cũ của huyện lỵ Đắk Mil, một địa phương có đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê. Hiện nay, Đắk Mil có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh. Do thuận lợi về tự nhiên; mặt khác, người dân địa phương đã có kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… nên hạt cà phê Đắk Mil có chất lượng cao.

 


Thời gian qua, ngoài việc cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu, một số đơn vị đã đầu tư sản xuất cà phê bột mang thương hiệu Cà phê Đức Lập đã tạo ra dấu ấn riêng trên thị trường.

 

  1. Khoai lang Tuy Đức

Nhiều năm nay, người tiêu dùng đã biết đến khoai lang Tuy Đức. Xuất xứ của sản phẩm này là từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, người dân xã Đắk Búk So (huyện Đắk R’lấp nay thuộc địa bàn huyện Tuy Đức) đã đưa giống khoai lang Benzen có nguồn gốc từ Nhật Bản về trồng.

 


Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên khoai lang ở Tuy Đức đạt năng suất cao, mang hương vị đặc trưng riêng: thơm ngon, bùi, ngọt, hàm lượng tinh bột và dinh dưỡng cao; được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều doanh nghiệp thu mua để sản xuất ra các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo… và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore, Malaysia.

 

  1. Trái cây Đắk Glong

Đắk Glong là địa phương có nhiều trang trại trồng cây ăn trái như cam, quýt, bơ, thanh long ruột đỏ, dưa, chuối… Theo thống kê, hiện toàn huyện đã có khoảng 1.000 ha cây ăn trái mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Đắk Glong đã đưa giống ổi ứng dụng công nghệ cao vào trồng.

 


Đây là giống “ổi siêu sạch” với nhiều khâu chăm sóc cây được tiến hành một cách chặt chẽ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là đảm bảo cách ly một cách tốt nhất với các loại thuốc như trừ sâu, bón lá… Khi trái ổi lớn bằng ngón chân cái, đã được bọc bằng bao xốp và bao ni lông để tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tránh thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, côn trùng hại quả…  Nhờ thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất Đắk Glong nên ổi phát triển tốt, trái bóng đẹp, giòn, ngọt dịu và cho trái quanh năm.

 

  1. Rượu cần

Bất kể lễ hội, lễ tết nào trong năm, người Tây Nguyên nói chung và người dân Đắk Nông nói riêng đều quây quần bên nhau bên ché rượu cần, say điệu cồng chiêng và nhảy múa dưới ánh lửa bập bùng. Rượu được cho một sản vật được Trời (Yang) sai thần linh mách bảo con người làm ra để cúng tế.

 

 

Người Tây Nguyên uống rượu bằng cần và chụm nhau vào uống chung trong một ché rượu mà không sợ mất vệ sinh. Cách làm ra loại rượu đặc trưng này cũng rất đơn giản. Người ta chỉ việc cho men vào cơm và ủ trong ché rượu trong khoảng 5-6 ngày thì thành rượu cần. Song cũng có những người thích hạ thổ đến hàng năm mới đem ra uống. Ở nhiều vùng khác nhau rượu cần còn có nhiều phiên bản khác như rượu kê, bo bo, mì, bắp…

 

  1. Cá lăng sông Sêrêpốk

Sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn huyện Krông Nô, Chư Jút là “xứ sở” của loài cá lăng đuôi đỏ. Đây là loài cá da trơn sinh sống ở nhiều nơi, nhưng có lẽ với môi trường sinh thái sông Sêrêpốk “đặc biệt” hơn, nên cá lăng ở đây có số lượng nhiều hơn, chất lượng cao hơn.

Cá lăng đuôi đỏ có thể làm được nhiều món ăn như nướng, om, làm chả, hấp, xào tỏi hay nấu cháo… món nào cũng ngon vì thịt cá lăng béo, có vị ngọt, giàu dinh dưỡng. Hiện nay, ngoài đánh bắt cá tự nhiên, người dân Chư Jút đã tổ chức nuôi theo phương thức lồng, bè để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

 

 

  1. Cơm lam

Trong miếng cơm lam, người ta có thể cảm nhận đầy đủ vị ngọt thơm của gạo dẻo lẫn trong mùi nứa nướng nồng hương. Mặc dầu được làm từ loại gạo dẻo hoặc gạo nếp nhưng khi dùng cơm lam, người ăn không hề biết ngán và dù có kèm với những món ăn khác như gà nướng, bò nướng thì mùi cơm lam vẫn không thể lẫn vào đâu được.

 


Để làm ra cơm lam, người ta đem ngâm gạo với một loại lá thơm qua đêm. Khi đem ra nướng, người ta cho gạo vào khoảng 2/3 ống nứa và cho nước suối vào. Để nút lại hai đầu, họ dùng lá chuối heo héo bịt lại ở hai đầu. Khi những ống nứa nổ tí tách bên lò than cũng là lúc những hạt gạo nở dần ra, bện lại với nhau thành khối kết dính chặt như nêm.

 

  1. Canh thụt đọt mây

Đây là món ăn đặc sản của người M’nông, Mạ, phổ biến ở vùng phía nam tỉnh như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa, để đãi bạn bè, khách quý và dùng trong các lễ hội. Ngoài đọt mây, nguyên liệu nấu canh thụt còn gồm rau nhíp, măng, thịt hoặc cá suối, ít con mối và vài con dế dũi…

 


Tất cả nguyên liệu được cho vào ống lồ ô tươi, bịt kín đầu. Khi nấu, ống lồ ô phải để nghiêng trên lửa và quay tròn cho canh chín đều. Khi nấu vừa chín tới, người ta thường lấy đoạn dây mây có gai đâm vào trong ống cho các nguyên liệu nhừ nát, hòa quyện vào nhau. Khi đó, muối, ớt được bỏ vào, thụt đều, có thể bỏ thêm một ít rau thơm. Theo một số người thì món này có thể ví như một loại “thực phẩm chức năng” hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết của người dùng.

 

  1. Cà đắng

Cà đắng vốn là loại cà mọc dại. Sau được người dân đem về trồng và tạo ra một giống cà đắng ít đắng hơn. Cà có quả thon dài, trái có vằn dọc trắng xanh như trái dưa. Vị cà đắng đăng đắng như khổ qua rừng rất hấp dẫn. Người trong buôn thường dùng cà để nấu canh, kho cá khô hoặc kho tép. Món ăn nào cũng đặc trưng vị đắng, vị cay khiến ai ăn một lần cũng muốn dùng nữa.

 

 

  1. Măng chua rừng

Trong những miếng ngon của rừng, măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu của đồng bào dân tộc. Măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chộ sành, khoảng hai tuần sau, măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Măng chua nấu với cá trê, măng chua nấu gà khiến bạn ăn quên no…

 



10. Lẩu lá rừng

Đến với Tây Nguyên đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ còn cảm nhận được Tây Nguyên qua những chiếc lá. Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ
Cùng với các loại lá thì mắm thịt và nem thính được cuốn vào lá, vị cay cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm của mắm thịt, vị khô của nem thính cho ta nhiều cảm giác rất lạ.

 

 

Facebook